Bệnh nhân đầu tiên ngộ độc pate Minh Chay đã tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số 3 bệnh nhân ngộ độc pate Minh chay từng điều trị, có 1 trường hợp đã tử vong tại nhà là cụ ông 70 tuổi.

Chia sẻ với truyền thông Việt Nam ngày 27/11, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân đã 70 tuổi, có nhiều bệnh lý nền, ngộ độc nặng do ăn pate Minh Chay.

Cụ thể, cụ ông 70 tuổi là một trong những bệnh nhân đầu tiên bị ngộ độc loại thực phẩm này. Ngày 18/8, ông cùng vợ chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương lên Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Clostridium botulinum (C. botulinum).

2 vợ chồng ông đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay mua trên mạng, lần ăn gần nhất vào cuối tháng 7. Sau khi ăn lọ thứ nhất không thấy có biểu hiện gì lạ, tuy nhiên, lọ thứ 2 xuất hiện mùi lạ, họ vẫn ăn. Pate chay trong lọ đang ăn dở được cơ quan chức năng xét nghiệm, tìm thấy vi khuẩn C. botulinum.

2 vợ chồng cụ ông đều nhập viện trong tình trạng sụp mi, khó nuốt, liệt cơ tứ chi, khó thở và suy hô hấp.

18 ngày trước khi nhập viện, 2 bệnh nhân nói khó, đau họng, nói khàn, yếu chân tay, không sốt, không đau đầu, không có gì thay đổi về cảm giác, không có tiền sử chấn thương.

Trong khi người vợ có nhiều chuyển biến tốt, thì cụ ông chậm cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc giải độc vào cuối tháng 8, rồi dần trở nặng do tác động của mắc nhiều bệnh lý nền, bệnh nhân chuyển biến xấu, tiên lượng nặng. Vì vậy, gia đình xin đưa về, cụ ông tử vong tại nhà.

Hiện sức khỏe của người vợ đã ổn định, hồi phục tốt, đi lại bình thường và đã ra viện.

Bệnh nhân thứ 3 ngộ độc sau ăn pate Minh Chay điều trị ở Bạch Mai cũng được xuất viện vào hôm nay (ngày 27/11).

Sản phẩm pate Minh Chay. (Ảnh chụp màn hình)

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 16 người ngộ độc nặng sau ăn pate Minh Chay, cư trú tại Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam. Các mẫu xét nghiệm khẳng định các bệnh nhân ngộ độc botulinum từ loại pate này. Ngoài ra, có nhiều người khác ngộ độc nhẹ, chỉ mỏi và yếu cơ, được điều trị cải thiện và xuất viện trong ngày.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, độc tố botulinum có nhiều loại, gây ra bởi vi khuẩn kỵ khí trong đồ ăn được đóng gói, lọ, hộp, túi, chai kín hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.

Ngộ độc botulinum nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới thần kinh nên gây liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài, dễ tử vong. Bệnh nhân phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng.

Trong 30 năm qua, ngộ độc botulinum chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, vì vậy không có huyết thanh hay thuốc giải độc. Tổ chức Y tế Thế giới đã điều phối 12 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan và Thụy Sĩ về Việt Nam để điều trị cho các bệnh nhân.

Phần đông bệnh nhân ngộ độc botulinum mất 2-4 tháng điều trị, sau xuất viện đến nay gần như vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.


Bệnh nhân đầu tiên ngộ độc pate Minh Chay đã tử vong